2018 là một năm tương đối chật vật với ngành thép Việt khi liên tiếp phải đối diện với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như sự cạnh tranh gay gắt của thép ngoại tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, tính chung cả năm, dự báo toàn ngành vẫn đảm bảo đạt mức tăng trưởng đã đề ra là khoảng 20% so với năm 2017.
Sản xuất tăng 17,7%
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam: Tính chung 10 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt hơn 20 triệu tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017; bán hàng đạt hơn 18 triệu tấn, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, XK đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm 2017.
Thời gian qua, thép xây dựng là một trong những sản phẩm có mức tăng trưởng tốt nhất. Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, 10 tháng đầu năm nay, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 8,3 triệu tấn, tăng 9,8%; bán hàng đạt gần 8,29 triệu tấn, tăng 13,8%. Đứng đầu về thị phần thép xây dựng là Tập đoàn Hòa Phát với 23,45%, tiếp đó là các đơn vị như: Tổng công ty Thép Việt Nam với 17,5%; Pomina với 9,97%; Posco SS chiếm 9,35% và Vinakyoei chiếm 8,38%.
Về giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam nêu rõ: Giá phôi thép hiện ở mức 505-507 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với đầu tháng 10 và giảm khoảng 20 USD/tấn so với đầu năm 2018. Do đó, trong tháng 10, giá bán thép trong nước được giữ tương đối ổn định. Ở phía Bắc, giá điều chỉnh giảm 100-200 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng DN. Trong khi đó, giá tại miền Nam không thay đổi. Hiện giá thép xây dựng ở miền Bắc dao động ở mức 13.100 – 13.200 đồng/kg và ở miền Nam khoảng 13.200 – 13.250 đồng/kg.
Đánh giá chung về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Văn Sưa-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay: Sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều có mức tăng trưởng tốt trong 10 tháng qua. Riêng về thép xây dựng, ông Sưa nhấn mạnh: “Mặc dù tình hình thời tiết tháng 10 mưa nhiều, ảnh hưởng tới việc xây dựng các công trình, song tiêu thụ thép trong nước vẫn tăng mạnh. Điều này chứng tỏ, sản phẩm thép Việt đã có sức cạnh tranh rất tốt ở thị trường nội địa”.
Tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng
Xung quanh câu chuyện của ngành thép, Bộ Công Thương đánh giá: Thực tế, trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép NK thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đồng thời phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước NK khiến XK thép gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như: Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc NK từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là thực trạng đáng lo ngại.
Nhận thức rất rõ ràng thực trạng này, song ông Sưa lại đưa ra cái nhìn có phần lạc quan hơn. Ông Sưa phân tích: Dự báo nhu cầu tiêu thụ thép ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục vững chắc về cuối năm nếu không có những yếu tố tiềm ẩn tác động lớn. Cụ thể, các yếu tố có khả năng tác động đến tiêu thụ thép thế giới có thể kể đến như việc Hoa Kỳ sẽ nới lỏng thuế quan với Thổ Nhĩ Kỳ hay không; mức độ cắt giảm sản lượng mùa đông sẽ được thực thi tại Trung Quốc; những tác động từ sự đổ vỡ cuộc tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với nền kinh tế Trung Quốc… Đáng chú ý là, nhu cầu thép của châu Âu được dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm nay nhờ vào nhu cầu ô tô và xây dựng mạnh mẽ. Thậm chí, ở tương lai xa hơn, một chương trình thay thế cơ sở hạ tầng ở châu Âu sẽ giúp cho nhu cầu thép ổn định trong năm tới. “Với thị trường nội địa, sản xuất, bán hàng đang có mức tăng trưởng cao và dự kiến sẽ tiếp tục giữ được đà tăng về cuối năm”, ông Sưa nói.
Đứng từ góc độ DN, Tập đoàn Hòa Phát cũng đưa ra dự báo khá lạc quan cho tiêu thụ thép thời gian tới. Riêng trong tháng 10, Hòa Phát đã lập “cú đúp” kỷ lục khi lần đầu tiên bán ra thị trường 250.000 tấn thép xây dựng, trong đó sản lượng XK đạt con số cao nhất từ trước đến nay với 40.000 tấn. Kết quả đạt được trong tháng 10 nâng tổng số thép xây dựng tiêu thụ của Hòa Phát lên trên 1,9 triệu tấn. Dự báo, cả năm 2018, con số này sẽ là 2,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đang tập trung cho tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ 2020. Sau khi dự án hoạt động ổn định, thị phần thép xây dựng Hòa Phát dự kiến sẽ chiếm ít nhất 30% toàn thị trường.
Xuất phát từ những khó khăn mà ngành thép Việt đã và đang phải đối mặt, điển hình là trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, theo Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN trong các vụ việc điều tra. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước; nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Nguồn : Hải quan